Chuyển đến phần nội dung

Nút thắt (P1): trong nghệ thuật và văn hóa

Tác giả: Lê Vũ Minh Trí

Trước khi vào với nội dung bài viết, mình sẽ nói qua về nội dung các phần và lý do cho sự sắp xếp. Mình dự kiến chia bài viết làm 3 phần: 

phần đầu nói về các nút thắt trong nghệ thuật, văn hóa các nền văn minh, bàn qua về cách thức thắt nút và ý nghĩa

phần sau sẽ tập trung hơn vào khía cạnh toán học của các nút thắt

và phần cuối sẽ là một vài suy nghĩ của mình về mối liên kết giữa hai mặt kể trên của nút thắt và vài gợi ý cho các hoạt động đi sâu vào cả hai.

 Sở dĩ có sự tách phần này là vì các chủ đề này đều đa dạng và thú vị cả (phần 1 này còn có những chủ đề hơi xa với mục đích dự án) và đáng để bàn luận riêng, và vài lý do quan trọng khác mình sẽ nói kỹ hơn sau.

_________________________________________

Chẳng rõ từ bao giờ tổ tiên của chúng ta biết cách thắt nút, ta biết rằng các nút ít nhất lâu đời bằng những dụng cụ bằng đá buộc vào cán gỗ. Nhưng một khi đã xuất hiện, nút thắt xuất hiện khắp nơi, từ rổ rá, lưới đánh cá, vải dệt, trên các gói hàng, trong tay các bác sĩ băng bó vết thương, cho đến những vật dụng chẳng cần gia cố hay buộc gì. Thật vậy, ngoài những công dụng thiết thực, nhiều nền văn minh đã mượn hình dáng của nút để tạo nên các họa tiết biến ảo, đa dạng.

Nút thắt đặc trưng của người Celt thường không có điểm đầu cuối, đan xen lên xuống như nan, hay dùng để trang trí các di tích và văn bản của Thiên chúa giáo.

Tương tự như người Celt, trong văn hóa Ấn Độ có không ít họa tiết tạo nên từ những nút thắt nối liền. Một trong Tám Biểu tượng Tốt lành (Eight Auspicious Signs) của các tôn giáo gốc Ấn như Hindu giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo là nút vĩnh cửu.

Trong tháng thu hoạch Margali hay Margazhi (từ giữa tháng 12 đến đầu tháng 1), một tháng với nhiều hoạt động tôn giáo linh thiêng, phụ nữ Tamil có truyền thống trang trí thềm nhà mỗi sáng bằng những nút thắt liền được gọi là pavitram (vòng, nhẫn) và Brahma-mudi (nút thắt của Brahma). Tháng Margali thường nhiều dịch bệnh, nên các thiết kế ấy là để xoa dịu thần Siva – người cai quản tháng này. 

Trước khi bắt đầu vẽ, các cô các bà làm ẩm một khoảng sân sạch hình vuông bằng nước hoặc phân bò, rồi vẽ một lưới chữ nhật bằng các chấm cách đều nhau. Sau đó, họ nắm bột gạo trên tay, nhẹ nhàng để rơi bột thành hình đường cong và khép kín, uốn quanh các chấm từ trước.

Ta bắt gặp những nút vẽ trên cát, xung quanh lưới chấm trong cả văn hóa người Tchokwe ở đông bắc Angola. Tuy nhiên, những bức sona (số ít lusona) này được vạch bằng tay, thường là những hình vẽ loài vật, sự vật quen thuộc được ghi nhớ bằng một quy tắc hình học và hai số nào đó (số chấm của hình vẽ). Nét đẹp này tô điểm cho cuộc sống thường nhật của người Tchokwe: chúng minh họa cho những cuộc trò chuyện, ngụ ngôn, trò chơi, câu đố, v.v, và là phương tiện truyền lại kiến thức cho thế hệ mai sau của họ. Vì vậy họ đề cao kỹ năng vẽ họa tiết thuần thục. Chẳng hạn như ai đó lỡ quên hoặc vẽ không liền nét thường sẽ bị cười mỉa, còn những ai vẽ hình lão luyện, biết những hình vẽ phức tạp thường kiêm vai trò người kể chuyện, được gọi là akwa kuta sona (người biết vẽ), và thuộc tầng lớp cao quý trong xã hội.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến nghệ thuật thắt nút dân gian của Trung Quốc. Các nút thường làm từ một sợi duy nhất, có hai lớp và có khoảng một chục loại nút. Chất liệu và màu sắc dây khá đa dạng, thường thấy nhất là dây satin đỏ để trang trí y phục, trang sức. Đôi khi các nút được gắn kèm tua rua ở cuối. Nghệ thuật này gắn liền với cả người dân, cung đình và nhiều điều tốt lành. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, và tình yêu (như là nút đồng tâm).

Nghệ thuật nút thắt của người Trung Hoa được tiếp thu và biến hóa ở cả Nhật và Hàn Quốc, với tên gọi môn truyền thống lần lượt là hanamusubi (hana: hoa, musubi: nút thắt) và maedeup.

Tại nền văn minh Inca ở Nam Mỹ, các nút thắt có một vai trò độc lạ – lưu trữ thông tin. Cụ thể, các quipu, trong tiếng Quechua nghĩa là nút thắt, được làm từ lông lạc đà. Mỗi sợi quipu có giá trị phụ thuộc vào màu sắc, thứ tự và số nút được thắt (theo hệ thập phân), và mỗi bộ quipu có từ vài đến vài nghìn sợi. Người Inca đếm dân số, làm lịch, đếm ngày nộp thuế trong hàng nghìn năm, từ khoảng những năm 2600 TCN cho tới tận thế kỷ 17. Ngày nay chỉ còn lại khá ít quipu, và số lượng được sử dụng còn ít hơn nữa.

Nút thắt còn là một phần quen thuộc với các thủy thủ xưa (có thể họ là một nguồn gốc của macrame), các bác sĩ buộc vết thương (xem cuốn sách Natural History của Pliny nói về nút Hercules), các huy hiệu châu Âu Trung cổ,  thậm chí đi vào cả những câu chuyện kể như nút Gordian, nút thắt khó gỡ nổi tiếng tới mức dân gian đồn thổi ai gỡ được sẽ chinh phục cả châu Á. Về sau Alexander Đại đế trẻ đơn giản là đã chém đôi nó, và phần còn lại là lịch sử. 

Có thể thấy nút thắt cách điệu trong các trang trí của các văn hóa thường liền nét, hơi khác với các nút thắt buộc từ dây trong thực tế. Các nút ấy không chỉ làm đẹp mà còn mang những ý nghĩa về niềm tin, tôn giáo và đi vào đời sống dân gian. Bài viết mới chỉ có thể khám phá một phần nhỏ về nút thắt trong nghệ thuật, thiên về mặt cách điệu hơn là nút thắt thực tế. Mình tin rằng với mỗi lĩnh vực cần tới nút thắt thì đều có những người sáng tạo và làm đẹp cho các nút thắt đó. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *